Đền Quả Sơn thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, được xây dựng vào thời Lý để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang sinh năm Mậu Tý (988), là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Năm 1039, Ngài được cử vào Nghệ An trông coi việc thuế, sau đó, làm Tri châu Nghệ An vào năm 1041, được phong tước Uy Minh Vương vào năm 1044. Trong thời gian trị nhậm ở đây, Ngài đã có nhiều cống hiến lớn lao như: lập nên trại Bà Hoà, cung cấp quân lương cho vua Thái Tông đi mở cõi phương Nam, làm đường, đào kênh, mở thêm 52 châu, 22 trại, 56 sách,…giúp nhân dân có đời sống ổn định, kinh tế phát triển, biên giới được giữ vững, “man di” đều tin phục.
Lý Nhật Quang mất ngày 17 tháng 12 năm Đinh Dậu (1057), thi hài được an táng tại núi Quả. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ Ngài ngay trên lỵ sở cũ. Ngoài ra, ở xứ Nghệ còn có khoảng 40 ngôi đền thờ Ngài. Trải qua các triều đại đều có sắc phong mỹ tự cho Ngài. Nhân dân suy tôn Ngài là Đức Thánh.
Đền Quả Sơn được liệt vào hàng “quốc tế, quốc tạo”, đã trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê, thời Nguyễn. Đến đầu thế kỷ XX, đền trở thành một quần thể có quy mô lớn, gồm 7 tòa, 40 gian, vị trí đẹp, là một trong “tứ đại thắng tích” của xứ Nghệ. Trải qua chiến tranh, hầu hết các công trình kiến trúc gốc của đền đều bị phá hủy. Khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, đền được phục dựng như hiện nay.
Lễ hội đền Quả Sơn được tổ chức từ ngày 19-20 tháng Giêng hàng năm.
Đền Quả Sơn được xếp hạng là di tích Lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 05/QĐ- BVH ngày 12/02/1999./.
|
Lê hội đua thuyền Đền Quản Sơn năm 2017
|
|
Đ/c Trương Hồng Phúc bí thư huyện Đô Lương và Đ/c Ngọc Kim Nam Chủ tịch UBND huyện Đô Lương trao cơ lưu niệm cho các đội đua thuyền năm 2017
|
|
Thanh tra Chính phủ về kiểm tra công tác lế hội Đền quả Sơn năm 2017
|
|
Các hậu duệ họ Lý từ Thanh Hóa về tham gia lế hội Đền Quả Sơn năm 2017
|
DIỄN VĂN LỄ HỘI ĐỀN QUẢ SƠN NĂM 2017
Kính cáo anh linh Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, anh linh Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và các vị nhân thần được thờ phụng tại đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa bà con nhân dân, du khách thập phương về dự lễ!
Trong không khí sôi nổi, náo nức của những ngày đầu xuân Đinh Dậu năm 2017. Hôm nay, UBND huyện Đô Lương cùng Cấp ủy, Chính quyền, nhân dân 3 xã vùng Bạch Ngọc long trọng tổ chức lễ hội Đền Quả Sơn để tưởng nhớ, ghi ơn công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang cùng 2 vị Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương.
Sự có mặt của quý vị đại biểu, bà con nhân dân, du khách thập phương về dự lễ hôm nay_ ngay trên mảnh đất mà cách đây 959 năm Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã Quy hóa và Hiển thánh là sự thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi ơn công đức của các bậc tiền nhân. Đây cũng là dịp để chúng ta thành tâm thực hiện nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, góp phần giáo dục truyền thống, đoàn kết cộng đồng, nhân lên sức mạnh của lịch sử cho sự phát triển hiện tại và tương lai.
Kính thưa quý vị đại biểu, bà con nhân dân và du khách!
Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ), là em của vua Lý Thái Tông. Ông sinh năm 988 ở Thăng Long. Từ nhỏ Lý Nhật Quang đã tuấn tú, hiếu động. Lớn lên được theo học cả văn lẫn võ nên sớm nổi tiếng. Lý Nhật Quang không chỉ được cha mẹ tin yêu mà quan chức trong Triều đình, con cháu Hoàng tộc đều quý mến. Ở tuổi trưởng thành, Lý Nhật Quang đã tinh thông kinh sách, phong cách sống hài hòa nên được mọi người kính trọng gọi là Bát lang Hoàng tử.
Năm 1039 Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An với tước hiệu "Uy Minh Thái tử". Do tính nghiêm cẩn và liêm trực, không tơ hào của dân nên ông rất được nhân dân Hoan Châu mến mộ. Lúc này, Nghệ An là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, Triều đình phải nhiều phen dẹp loạn.
Năm 1041, Lý Nhật Quang được bổ nhiệm làm tri châu Nghệ An với tước hiệu "Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang". Sau khi Lý Nhật Quang được bổ nhiệm, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An.
Năm 1044, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước "Hầu" lên tước "Vương" thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông quyền "Tiết Việt" (tức là có quyền thay mặt nhà vua, được vua tin cậy và uỷ thác quyền được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An). Với trọng trách người đứng đầu trị nhậm Nghệ An. Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế, dùng uy để chế ngự, dùng ân để cảm hóa, khoan dung, giản dị, gần gũi nhân dân, minh bạch các chế độ tô thuế. Lấy việc dân no ấm, yên vui, hạnh phúc, làm gốc của việc trị nhậm.
Để phát triển kinh tế, ông cho chiếu dụ dân lưu tán từ nhiều vùng đất khác nhau về khai khẩn đất hoang, lập nhiều làng ấp mới. Tiếp nhận các bại binh chiến thành, lập nhiều làng ở vùng Tương Dương, Con Cuông để họ làm ăn, sinh sống bình thường. Ông dạy cho dân nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Phát triển nhiều ngành nghề thủ công. Ông cho xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi, đào sông, khai thông luồng lạch để phát triển đường thuỷ: Sông Đa Cái (Hưng Nguyên); Kênh Sắt (Nghi Lộc); Kênh Son, Kênh Dâu (Quỳnh Lưu). Về giao thông đường bộ, Ông cho phát tuyến: mở đường thượng đạo sang Lào (tức là đường 7 ngày nay); Mở đường thượng đạo từ Nghệ An ra Thăng Long (có nhiều đoạn trùng với đường mòn Hồ Chí Minh thời chiến tranh chống Mỹ)... Ông còn cho phát triển các ngành khai mỏ, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền, kết hợp hài hoà phát triển kinh tế với quốc phòng bằng việc thời bình thì sản xuất nông cụ, thời chiến thì sản xuất vũ khí.
Cùng với việc phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang rất chăm lo phát triển văn hoá, giáo dục. Ông khuyến khích xây dựng nhiều đền chùa, mở nhiều trường học. Về quân sự, Ông cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng, xây dựng căn cứ thuỷ quân ở Lạch Cờn - Quỳnh Lưu để canh giữ một vùng biển rộng lớn, ngăn chặn các cuộc xâm lấn của quân Chiêm Thành. Bên cạnh đội quân chủ lực, ông còn xây dựng các đội Dân binh để bảo vệ trật tự trị an làng xã. Dưới thời Lý Nhật Quang, Triều đình không phải đưa quân vào đồn trú mà lực lượng tại chỗ đủ sức xây dựng Nghệ An thành “Thành đồng vách sắt”.
Có thể nói, suốt 16 năm làm Tri Châu ở Nghệ An, với đường lối Vương đạo, thân dân Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất "Biên viễn", " phên dậu" trở thành một Trọng trấn, một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế, văn hóa không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều đại về sau.
Kính thưa quý vị đại biểu, bà con nhân dân và du khách gần xa!
Khi được cử làm tri châu Nghệ An, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã chọn đất Bạch Đường làm lỵ sở. Phủ Bạch Đường thời Lý gồm các thôn Nhân Trung, Phúc An, Nhân Bồi, Miêu Đường. Cuối thế kỷ 19, Bạch Đường được đổi tên thành xã Bạch Ngọc. Vào năm 1953, xã Bạch Ngọc được chia thành 3 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn và Bồi Sơn. Với vị trí “Tiến, thủ, lưỡng tiện” chọn Bạch Đường làm lỵ sở. Lý Nhật Quang vừa kiểm soát được an ninh quốc phòng của cả vùng Hoan Châu, vừa có thể khai thác cả một vùng đồng bằng rộng lớn để phát triển kinh tế. Đây là công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đối với Nghệ An nói chung, vùng đất Bạch Ngọc Đô Lương nói riêng.
Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả ( nơi mà chúng ta đang tổ chức buổi lễ trọng thể hôm nay). Nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, khóc than, tưởng nhớ và lập đền thờ Ông đúng nơi ông quy hóa và hiển thánh gọi là đền Quả Sơn. Chuyện còn ghi lại sau khi quy hoá, Lý Nhật Quang đã hiển thánh và luôn linh ứng, phù hộ cho triều đình đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Các triều đại về sau, mỗi khi xuất quân đánh giặc đều về Đền Quả Sơn thắp hương cầu Ngài phù hộ và sau khi thắng trận, lại về đền thắp hương tạ lễ báo công. Người ta nói, Lý Nhật Quang sống đánh giặc, chết hiển linh đánh giặc là như vậy. Ngôi mộ linh thiêng của Ngài tại di tích Đền Quả Sơn luôn được nhân dân chăm sóc, phụng thờ, hương khói.
Đền Quả Sơn là một trong những đệ tứ danh thiêng của xứ Nghệ đầu thế kỷ 20. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, do thời gian và chiến tranh, Đền Quả Sơn ngày nay không còn lưu giữ được quy mô và tầm vóc ngày xưa với 7 tòa, 40 gian mang phong cách Lý Trần.
Lý Nhật Quang là anh hùng kiệt xuất có công giúp dân, vì nước, đền thờ của ông do các Nhà nước phong kiến “Quốc tạo, Quốc tế” và bảo hộ bằng các sắc phong:
Triều Lý: gia phong Uy Minh Hầu lên Uy Minh Vương;
Triều Trần: Gia phong Uy Minh dũng liệt, Hiển Trung Tá, thánh phu hựu Đại Vương;
Triều Lê: Lê Thánh Tông phong tặng Tam Tòa quốc chư thượng đẳng thần; Lê Thân Tông phong tặng Hiển linh hộ quốc hồng Huân Đại Vương.
Triều Nguyễn: phong tặng Thượng đẳng thần...
Năm 1952, bom đạn của thực dân Pháp đã làm cho đền bị phá hoại nghiêm trọng. Đền chỉ còn lại tấm bia đá cổ và ngôi mộ của Ngài. Tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhân dân Bạch Ngọc đã rước di tượng của Ngài cùng ngai vị của Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương về chùa Nhân Bồi (cách đền Quả Sơn gần 1 km) để bảo vệ, thờ phụng và hương khói. Nhiều đồ tế khí quý giá của Đền được nhân dân đưa về nhà cất giữ cẩn thận, nguyên vẹn. Sau này bà con đã tự nguyện mang trả lại Đền. Vì vậy chùa Nhân Bồi, chùa Bà Bụt là những di tích quan trọng, gắn liền không thể tách rời với di tích lịch sử Đền Quả Sơn.
Thực hiện chủ trương bảo tồn, phục hồi và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá dân tộc. Năm 1996, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, được sự giúp đỡ của ngành Văn hoá tỉnh Nghệ An, Cấp uỷ, Chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương cùng du khách gần xa, Đền Quả Sơn đã từng bước được xây dựng lại ngay chính nơi đây, vị trí từ ngàn xưa của đền. Ngày 12/02/1999, Đền Quả Sơn đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử văn hoá” cấp quốc gia. Ngày 17 tháng 12 âm lịch hàng năm là ngày Lễ giỗ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang hay còn gọi là lễ Chạp đền. Ngày 19, 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội đền Quả Sơn. Bên cạnh các hoạt động tế lễ cổ truyền và các hoạt động Văn hóa Thể thao, trò chơi dân gian truyền thống. Nét đặc sắc của Lễ hội đền Quả Sơn là lễ rước ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở Chùa Bà Bụt hay còn gọi là Tiên tích tự ở cách đền 4 km về phía Tây thuộc xã Lam Sơn. Tương truyền, Bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế và là người chỉ cho Lý Nhật Quang nơi quy hóa và hiển thánh dưới chân núi Quả. Cứ 2 năm một lần, vào các năm chẵn, lễ rước theo đường thủy ngược dòng sông Lam và đường bộ qua 5 làng ngày xưa, qua mỗi làng nhân dân đều tổ chức các điểm bái hạ trang nghiêm để được vái lạy Ngài.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Dưới sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và bà con nhân dân, được sự gia ân của các bậc tiền nhân và Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Huyện Đô Lương không ngừng được đổi mới và phát triển về nhiều mặt. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Đô Lương luôn tự hào là đơn vị đứng tốp đầu của tỉnh. Qua các kỳ thi HSG tỉnh, Quốc gia, khu vực và Quốc tế, chúng ta đã có nhiều em đạt giải cao. Trong đó, ngôi trường THCS mang tên Uy Minh Vương Lý Nhật Quang luôn là điểm sáng về chất lượng giáo dục của tỉnh. Nhiều học sinh của Trường THCS Lý Nhật Quang đã phát huy được khả năng của mình, đem lại niềm tự hào cho quê hương, đất nước như: Em Nguyễn Tất Nghĩa đã 3 lần đạt Huy chương Vàng Vật lý khu vực và quốc tế; em Vũ Đình Long, Hoàng Anh Tài đạt Huy chương Bạc; em Dương Trọng Hoàng, Huy chương Đồng môn Toán Quốc tế; các em: Tăng Văn Bình, Dương Hoàng Hưng, Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Khắc Thái, Hoàng Tuấn Anh đạt thủ khoa trong các kỳ thi Đại học. Hằng năm, tưởng nhớ công đức, sự gia ân của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, các thế hệ học sinh trên địa bàn huyện Đô Lương nói chung và Trường THCS Lý Nhật Quang nói riêng đều trở về Đền dâng nén hương thơm cảm tạ, tri ân công đức của Ngài.
Đô Lương còn tự hào là địa phương còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy nhiều di tích lịch sử quý giá. Trong 177 di tích trên địa bàn có 10 di tích được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc Gia, 17 di tích lịch sử cấp tỉnh. Chỉ riêng ở 3 xã vùng Bạch Ngọc thời gian qua đã phục hồi, tôn tạo nhiều di tích như: Đình Phúc Yên và chùa Phúc Yên ở Ngọc Sơn, chùa Bà Bụt và đình Phúc Hậu ở Lam Sơn, chùa Nhân Bồi ở Bồi Sơn. Ngày 20/10/2016, Dự án phục hồi, tôn tạo đền Quả Sơn với quy mô xứng tầm đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Huyện Đô Lương và nhân dân vùng Bạch Ngọc kêu gọi các cấp các ngành, bà con du khách gần xa với tấm lòng thành kính, ghi ơn, góp công sức, công đức xây dựng đền Quả Sơn ngày càng tôn nghiêm và uy linh xứng với tầm vóc vốn có của đền.
Xin quý vị đại biểu, bà con nhân dân và du khách gần xa hướng về Thượng điện, dâng nén tâm nhang, cầu mong sự gia ân, phù hộ của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và 2 vị Vương thần Đông Chinh, Dực Thánh. Lòng mãi khắc sâu nội dung câu đối đang lưu giữ tại Đền:
“Hiển hách thần linh hương khói miếu đền lưu vân đại
Lừng danh tông tộc núi sông ghi nhớ mãi ngàn năm”.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị!