Thông tin về các điểm du lịch trên địa bàn xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
1. DI TÍCH MỘ VÀ ĐỀN THỜ PHAN SỸ TUẤN
Phan Sỹ Tuấn còn gọi là Phan Nguyễn Tuấn, sinh vào khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ XVIII. Ông là đời thứ 5 của dòng họ Phan Sỹ tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Hồ Mậu Thanh - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao trao Bằng công nhận di tích cấp tỉnh Mộ và Đền thờ Phan Sỹ Tuấn. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ ông được cha mẹ cho học hành lại sẵn có tư chất sáng dạ, thông minh hơn người. Năm Quý Mão (1783) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44, Phan Sỹ Tuấn đậu Giải nguyên Hương Cống, được triều đình cử tuyển vào làm Giám sinh Trường Quốc Tử Giám ở Thăng Long sau được phong làm chức Giảng dụ trong cung, đến năm Ất Tỵ (1785) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46, Phan Sỹ Tuấn được triều đình phong tước Thượng Khanh.
Cuối thời Cảnh Hưng, Chính quyền phong kiến Đàng Ngoài và Đàng Trong đều mục nát, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra ở nhiều nơi, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn ở Đàng Trong đã lật đổ chính quyền Chúa Nguyễn. Đầu năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc giương cao ngọn cờ “phù Lê diệt Trịnh”, lật đổ chúa Trịnh, tôn phù Lê Chiêu Thống lên ngôi, đất nước lâm vào cảnh triều đình suy yếu, các phe phái của các dư đảng nổi lên khắp nơi.
Trong bối cảnh rối ren đó, ông Phan Sỹ Tuấn xin phép triều đình về quê mở trường dạy học. Ngày 15 tháng 10 năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 47, trên đường hành lý về quê ông bị đội quân ngụy đảng Thiên lý phường do tên Chưởng Thước cầm đầu sát hại.
Hay tin ông bị sát hại, nhân dân trong vùng thương tiếc đã tổ chức lễ tang cho ông và an táng thi hài ông tại xứ Mồ Hùng thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An bây giờ.
Rước Bằng công nhận di tích cấp tỉnh Mộ và Đền thờ Phan Sỹ Tuấn về Đền. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An
Từ đó đến nay, nhân dân Tràng Thịnh, xã Tràng Sơn và các vùng lân cận đã tôn ông làm Bản cảnh Thành Hoàng, thường xuyên phụng thờ chiêm bái. Đền thờ ông trở thành địa chỉ tâm linh, hướng nhân dân trong vùng truyền thống cố kết cộng đồng, lòng yêu quê hương đất nước và đạo nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống.
Tri ân công trạng của ông, ngày 27/8/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 3805/QĐ-UBND công nhận Mộ và Đền thờ ông Phan Sỹ Tuấn ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là Di tích cấp tỉnh.
Ngày 21/11, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cùng con cháu dòng họ Phan Sỹ vinh dự đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ và Đền thờ Phan Sỹ Tuấn.
Đây là một trong 191 di tích của huyện Đô Lương đã được phân cấp quản lý, trong đó có 30 di tích đã được xếp hạng với 9 di tích cấp Quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh./.
2. DI TÍCH LỊCH SỬ
ĐỀN THỜ THÁI PHÓ TẤN QUỐC CÔNG NGUYỄN CẢNH HOAN
Nguyễn Cảnh Hoan (1521 – 1576) có cha là Phúc Khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy người làng Ngọc Sơn (Thanh chương). Ông là tướng Nhà Lê giữ chức Binh bộ thượng thư, hàm Thái phó về sau được truy phong Tấn Quốc công.
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ xung đột Lê – Mạc, Nhà Lê nhiều lần cử tướng Nguyễn Cảnh Hoan đem quân vào vùng Nghệ An trấn giữ. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị quân Mạc bắt và giết chết tại thành Thăng Long ngay sau đó.
Đền thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan
Sau khi khôi phục, triều Lê truy phong ông là Tấn Quốc công, xếp vào trung đẳng thần và sai lập đền thờ. Năm 1602 đền thờ chính của ông được xây dựng tại xã Tràng Sơn ngày nay. Ngoài đền chính ở Tràng Sơn còn có các đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Lưu Sơn (Đô Lương) và ở một số địa phương thuộc các huyện Nam Đàn, Thanh Chương. Phần mộ của ông hiện ở rú Cấm xã Tràng Sơn.
Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (năm 1602) để thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và 4 vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có công “Bảo quốc hộ dân”. Đền thờ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia 08/04/1991.
Với diện tích 3.290m2, khuôn viên của Đền bao gồm nhiều hạng mục công trình như: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, Tam quan, Tả vu, Hữu vu, nhà ngựa, nhà bia, nhà truyền thống.
Sau khi xếp hạng, ngoài con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh thì đền thờ còn đón rất nhiều lượt Nhân dân địa phương và khách vùng phụ cận đến tham quan, thăm viếng, nhất là những ngày lễ hội. Vì vậy, việc tổ chức lễ hội gặp nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực trạng đó, địa phương đã xây dựng Quy hoạch mở rộng khuôn viên di tích đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, gồm các hạng mục công trình: khu đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, quảng trường lễ hội và Bãi đỗ xe với tổng diện tích 12.950m2, trong đó, nội dung chính là: Cải tạo, chỉnh trang lại các công trình cổ như thượng điện, trung điện, hạ điện, nhà bia, nhà ngựa. Di dời nhà truyền thống lùi ra bên phải để dành diện tích cho sân hành lễ , xây mới nhà khách, khu quảng trường lễ hội, khu phụ trợ và bãi đỗ xe.
Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công năm 2014. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An
Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công có từ trên 400 năm nay và có đăc điểm riêng là cứ 10 năm được tổ chức một lần vào các ngày 14.15,16 tháng 3 âm lịch của các năm “Giáp”- (năm dứng đầu của mỗi can) như 1944, 1994, 2004, 2014... gọi là “thập niên sự lễ” tại nhà thờ chính ở xã Tràng Sơn (Đô Lương).
Được biết, sau 3 kỳ lễ hội (1954, 1964, 1974) do hoàn cảnh chiến tranh không được tổ chức, đến năm 1984, dòng họ Nguyễn Cảnh quyết định phục hồi và năm 2014 này “Thập niên sự lễ” được tổ chức sau các năm 1994 và 2004. Đây là dịp để con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh tri ân tổ tiên và động viên nhau đóng góp công, góp sức xây dựng quê hương đất nước./.
3. DI TÍCH LỊCH SỬ ĐẬP BA RA ĐÔ LƯƠNG
Đập Bara Đô Lương là công trình thủy lợi được xây dựng từ (1933 -1937) của thế kỷ 20 thời kỳ người Pháp còn đô hộ Đông Dương.
Đập Ba ra Đô Lương , Nghệ An. (Nguồn: Bách khoa tiếng Việt)
Trong quá trình xây dựng đập Bara Đô Lương, hoàng thân Xuphanuvông, nước CHDCND Lào lúc đó là kỹ sư đã tham gia thiết kế và chỉ đạo thi công công trình. Đập Bara Đô Lương có chiều dài 345m và hệ thống kênh tưới dài hàng trăm Km(gọi Sông Đào ), cung cấp nguồn nước tưới cho 4 huyện phía bắc tỉnh Nghệ An gồm: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Mỗi năm, công trình thủy lợi đập Bara Đô Lương cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 69.000 ha đất nông nghiệp của 4 huyện. Đây là công trình thủy lợi cực kỳ quan trọng phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân, trong đó có huyện Đô Lương.
Đập Bara đang được nâng cấp sữa chưa theo dự án JICA
Hiện tại, Đập Bara Đô Lương đang được sửa chữa nâng cấp ( Thuộc dự án sữa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy Lợi bắc Nghệ An) có mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Chủ yếu từ nguồn vốn Jica ( Nhật Bản) do sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công từ năm 2019