Lễ Thanh minh tri ân bái tổ tại Đền thờ Thái phó tấn Quốc công- Nguyễn Cảnh Hoan
Sáng ngày 15/4, tức 15/3 Âm lịch, dịp Tết Thanh minh, đông đảo con cháu trong dòng họ Nguyễn Cảnh ở Nghệ An lại cùng nhau tụ họp về nhà thờ họ Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương dự lễ tri ân bái tổ. Truyền thống đó được gìn giữ từ đời này qua đời khác như sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại, cũng là dịp để những người trong gia tộc, dòng họ gắn bó với nhau.
Tết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông. Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết của một năm và Tết thanh minh là ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 – 16 ngày. Từ xa xưa, Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ có ý nghĩa quan trọng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam, bởi Tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên.
Văn nghệ chào mừng lễ Thanh minh
Văn nghệ chào mừng lễ Thanh minh
Lễ Thanh minh tại Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan đã diễn ra trong không khí vui tươi, thể hiện lòng tri ân sâu sắc với tổ tiên thông qua chương trình văn nghệ đặc sắc của các chi phái dòng họ Nguyễn Cảnh.
Đại biểu con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh tại lễ Thanh minh
Tiếp đó, Hội đồng gia tộc dòng họ đã tổ chức lễ tế đúng theo nghi thức cổ lễ để tưởng nhớ công ơn của Thái phó tấn Quốc công- Nguyễn Cảnh Hoan.
Lễ tế Tổ
Nguyễn Cảnh Hoan là một vị tướng dưới triều Lê Trung Hưng. Một số tài liệu ghi chép ông với các tên gọi khác như: Nguyễn Cảnh Mô, Trịnh Mô, Nguyễn Hoan. Ông được phong tước Tấn Quận công, đảm nhiệm chức Binh bộ Thượng thư, giữ hàm Thái phó và về sau được thăng lên Quốc công.
Dâng hương lên Thượng điện Đền thờ
Tổ tiên của Nguyễn Cảnh Hoan vốn sinh sống tại phường Thiên Lý, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đến cuối thời nhà Hồ, do tình hình loạn lạc, gia tộc ông di cư vào làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Dòng họ Nguyễn Cảnh của ông còn được biết đến với tên gọi Nguyễn Cảnh Thiên Lý.
Ông là hậu duệ đời thứ 6 của những anh hùng từng góp công lớn dưới thời Hậu Trần như: Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị,… Nguyễn Cảnh Hoan không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là nguồn cảm hứng lớn lao cho các thế hệ con cháu noi theo.
Tượng Nguyễn Cảnh Hoan tại Thượng điện
Dòng họ Nguyễn Cảnh tiếp tục truyền thống vẻ vang, đóng góp to lớn vào công cuộc Trung Hưng nhà Lê. Trong số hậu duệ, có 18 người được phong tước Quận công, 72 người được ban tước Hầu, giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình.
Thắp hương tri ân tổ tiên dòng họ Nguyễn Cảnh
Ông Nguyễn Cảnh Minh- Chủ tịch Hội đồng gia tộc giới thiệu về nguồn cội và công trang của Đức Thánh Tổ
Hằng năm tại nhà thờ họ đều thực hiện nghi lễ tổ chức tế tổ. Đó là một phong tục tập quán đẹp đi sâu vào nét văn hóa truyền thống xưa và nay của các tầng lớp con cháu. Điều đó thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn thể hiện lòng thành kính biết ơn và tôn trọng các bậc tiền bối có công ơn sâu nặng với dòng tộc, đặc biệt là vị thủy tổ của dòng họ.
Ngọc Phương