Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng Nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2023.
Sáng ngày 28/9, tại xã Tân Sơn- Đô Lương, Cục xây dựng phong trào Bảo vệ ANTQ- Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng Nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2023.
Về dự hội nghị có đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ- Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Đệ- Phó chủ tịch UBND Tỉnh, đại diện lãnh đạo UBMTTQ, Ban Dân vận, Tôn giáo tỉnh, Sở NNPTNT, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh; đồng chí Đại tá Trần Ngọc Tuấn- Phó giám đốc Công an Tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Công an 21 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 16.487 km2, dân số hơn 3,5 triệu người; có 02 tổ chức tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo; Công giáo có hơn 295.000 tín đồ; có 03 Giám mục, 208 Linh mục, 447 nhà thờ xứ, họ đạo (14 hạt đạo, 118 giáo xứ, 332 họ đạo) ở 211/460 xã, phường, thị trấn (trong đó có 01 xã giáo toàn tòng), thuộc 17/21 huyện, thành, thị. Phật giáo có khoảng 169.000 tín đồ, phật tử; có 65 cơ sở được chấp nhận phục hồi, thành lập (64 chùa và 01 niệm phật đường), trong đó 39 cơ sở có sư trụ trì; 109 tăng, ni hoạt động hợp pháp.
Thời gian qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do vậy, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, ngày càng bình yên hơn. Trong đó, việc tham mưu, tổ chức triển khai xây dựng, duy trì, nhân rộng hoạt động của các mô hình bảo đảm ANTT tại địa bàn vùng giáo để phục vụ nhiệm vụ bảo đảm ANTT nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn tình hình tại các địa phương.
Từ năm 2016-6/2023, bà con giáo dân trong tỉnh đã hiến 124.093m2 đất, tháo dỡ 84.308m tường bao, đóng góp 71.263 ngày công và 307,9 tỷ đồng, 46,3km đường giao thông bê tông, góp phần làm thay đổi cảnh quan, diện mạo quê hương, nhiều xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch, đẹp, góp phần đưa 07 đơn vị cấp huyện, 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 252 xã có đông đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 273/501 xóm giáo đạt chuẩn văn hóa; tham gia đóng góp xây dựng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sỹ, ủng hộ xây dựng, tu sửa hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 với số tiền trên 2,6 tỷ đồng. Từ năm 2021 – 2023, lực lượng Công an đã phối hợp với ban, ngành các cấp đã vận động bà con giáo dân treo hơn 10.000 lá cờ Tổ quốc. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 21/118 giáo xứ, 69/332 giáo họ, hơn 200 tuyến đường vào nhà thờ giáo xứ, giáo họ thực hiện treo cờ Tổ quốc.
Với việc khơi dậy, phát huy được nội lực của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình bảo đảm ANTT trong xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong trong thực hiện nhiệm vụ này, điển hình như: giáo dân tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên đã đóng góp gần 200 triệu đồng để xây dựng đường cờ Tổ quốc, với hơn 08 km đi qua các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn; lương dân và giáo dân xã Minh Thành, huyện Yên Thành đã cùng nhau ủng hộ hơn 400 triệu đồng và hơn 300 ngày công để xây dựng nhà thờ họ; giáo dân xứ Vạn Thủy, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu đóng góp xây dựng đường cờ “Đại đoàn kết” kết hợp hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm dài hơn 700m với kinh phí hơn 90 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Chính, xóm trưởng xóm 10, xã Nghi Kim (đồng thời là Trưởng ban hành giáo họ Phan Thôn) đã vận động toàn dân tham gia làm đường, sân bóng của xã, ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn làm nhà với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Từ việc triển khai xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động của mô hình góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng nông thôn mới, từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị và được Bộ Công an đưa 267 xã trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Đây là một trong những kết quả quan trọng góp phần hoàn thành tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua.
Từ hiệu quả của mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm chung tay đoàn kết, xây dựng nông thôn mới”, lực lượng Công an các cấp đã tham mưu các cấp chính quyền chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình tại nhiều địa bàn với nhiều tên gọi khác nhau. Chỉ tính từ năm 2021 – 6/2023, các địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình ở địa bàn vùng giáo, như: Mô hình “Câu lạc bộ Cựu chiến binh với công tác bảo đảm ANTT” (xây dựng tại 19 điểm); “Tự quản về ANTT” (xây dựng tại 25 điểm); “Giáo xứ, giáo họ bình yên, đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới” (xây dựng tại 07 điểm); “Camera an ninh” (xây dựng tại 32 điểm); “Thôn, xóm không có tội phạm, tệ nạn xã hội” (xây dựng tại 19 điểm); “Đường cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo” (xây dựng tại 04 điểm).
Tại hội nghị, các đại biểu về dự đã trình bày các tham luận nêu bật những kết quả và kinh nghiệm hay trong việc nhân rộng mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ- Phó chủ tịch UBND Tỉnh và đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ- Bộ Công an đã đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Nghệ An trong việc xây dựng “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”. Nhấn mạnh việc lắng nghe, nắm bắt thông tin từ quần chúng nhân dân là một yếu tố rất quan trọng để bảo vệ ANTT trên địa bàn. Cũng nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh và Cục xây dựng phong trào Bộ Công an đã gợi mở một số vấn đề để mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó chủ tịch UBND Tỉnh đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 2 tập thể và 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Cục trưởng Cục xây dựng phong trào Bảo vệ ANTQ tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen cho 7 tập thể và 7 cá nhân.
Cũng nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Cục xây dựng phong trào Bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh đã trao tặng 15 suất quà cho 15 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi của xã Tân Sơn- Đô Lương.
Ngọc Phương