ĐĂNG NHẬP  
image banner
   
Điều kiện tự nhiên về Đô Lương
Điều kiện tự nhiên về Đô Lương (22/08/2016 04:32 PM)

 

HUYỆN ĐÔ LƯƠNG

I - Điều kiện tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

  Đô Lương là huyện trung tâm, nơi hội tụ và lan tỏa hệ thống giao thông, các hoạt động giao lưu thương mại, văn hóa vùng miền có điều kiện để giao lưu và mở rộng quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh Nghệ An, giữa nước ta và nước bạn Lào. Là huyện thuộc khu vực đồng bằng, nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, có đặc điểm địa hình dạng bán sơn địa. Với tổng diện tích tự nhiên trong địa giới hành chính là 35.009,25 ha. Toạ độ địa lý: 105015' đến 105045' độ kinh Đông và 18055' đến 19010' độ vĩ Bắc.

    Huyện Đô Lương nằm trong vùng đồng bằng tiếp giáp với trung du miền núi phía bắc tỉnh Nghệ An, phía đông nam giáp huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, phía đông bắc giáp huyện Yên Thành, phía tây bắc giáp huyện Tân Kì, Anh Sơn, phía nam giáp huyện Thanh Chương. Huyện Đô Lương được thành lập vào ngày18/4/1963 theo Quyết định số: 92/QĐ/CP. 

     Hiện tại năm 2021, Đô Lương có 32 xã và 1 thị trấn Đô Lương, có 7 xã miền núi thấp trong đó có 29/32 xã đạt Nông thôn mới đạt tỷ lệ: 90%, toàn huyện có 190 khối, xóm, có 1443 dòng họ; có 1104 nhà thờ họ. Dân số  214.582 người, có 58164 hộ gia đình trong đó hộ nghèo chiếm:1.65%; hộ cận nghèo chiếm: 3.37%.Tổng số người lao động trong độ tuổi: 115.373 người.

1.2. Địa hình:

    Huyện Đô Lương có địa hình nghiêng dần về phía đông, là một vùng đất đa dạng sinh học chia thành các tiểu vùng như sau: Vùng Trung tâm, Vùng ven sông Lam, vùng bán sơn địa Đông Nam và vùng bán sơn địa Tây Bắc.

+ Vùng bán sơn địa Tây Bắc gồm 7 xã là: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn. Có diện tích 10.419,9 ha, đặc điểm của vùng này là xen kẽ 2 dạng địa hình đồi và thung lũng. Địa hình đồi chạy theo hướng Đông Bắc (từ xã Giang Sơn Tây đến Ngọc Sơn) và dạng địa hình thung lũng (dạng thung lũng lòng chảo có suối chảy qua gồm các xã Giang Sơn Đông, Hồng Sơn, Bài Sơn; dạng thung lũng dốc nghiêng gồm các xã Bồi Sơn, Lam Sơn).

+ Vùng ven bãi sông Lam gồm 7 xã là: Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn và Thuận Sơn. Có diện tích 4.483 ha đất đai phì nhiêu , thuân lợi cho trồng cây công nghiệp và phat triển làng nghề trồng dâu nuôi tằm.

+ Vùng đồng bằng (vùng trọng điểm lúa) gồm thị trấn Đô Lương và 13 xã là: Tràng Sơn, Đông Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Hoà Sơn, Lạc Sơn, Xuân Sơn, Minh Sơn, Tân Sơn, Quang Sơn, Thái Sơn, Thượng Sơn. Có diện tích 11.324 ha.  Đặc điểm của vùng này là địa hình tương đối bằng phẳng, ở độ cao từ 9m đến 11m so với mực nước biển. Xung quanh có nhiều vùng đồi chia cắt, có hệ thống nông giang khá hoàn chỉnh nên thuận lợi cho sanrt xuất nông nghiệp, là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Nghệ An.

+ Vùng bán sơn địa Đông Nam gồm có 5 xã là Hiến Sơn, Nhân Sơn, Mỹ Sơn, Trù Sơn và Đại Sơn có diện tích 9.027 ha. Vùng địa hình này đặc điểm là có các dãy đồi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam xen kẽ 2 loại địa hình đồi và thung lũng dốc nghiêng, địa hình khá phức tạp thung lũng và núi đá.

1.3. Khí hậu

    Đô Lương có chế độ khí hậu phức tạp, mang tính chất khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều song phân bố không đều giữa các tháng trong năm, khí hậu được chia làm 2 mùa, đó là mùa xuân, hạ, thu, đông khá rõ nét, có thể chia thành 2 mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 nhiệt độ trung bình 30C - 350C; mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau nhiệt độ trung bình từ 200C - 23,60C. Nhiệt độ bình quân hàng năm từ 230- 240C; nhiệt độ cao nhất trong năm là 400C- 410C (tháng 7) và nhiệt độ thấp nhất trong năm là 120C (tháng 1). Số giờ nắng trung bình trong năm khoảng 1.500 - 1.700 giờ, bình quân trong tháng khoảng 1.668 giờ. Các tháng có nắng nhiều là tháng 5, tháng 6 và tháng 7, bình quân tới 7 đến 8 giờ/ngày. Tháng ít nắng nhất là tháng 2 bình quân có 1,6 giờ/ngày. Lượng mưa bình quân hàng năm là 1.879 mm, tập trung chủ yếu vào tháng 3; thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 lượng mưa bình quân trên 1.000mm, chiếm 60% lượng mưa cả năm. Độ ẩm không khí bình quân 85%; tháng có độ ẩm thấp nhất là 50% (tháng 6, tháng 7) và tháng có độ ẩm cao nhất là 95% (tháng 10, tháng 11). Hàng năm huyện thường phải chịu ảnh hưởng của 2 hướng gió chính là gió Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Gió Tây Nam thổi từ tháng 4 đến tháng 9, mạnh nhất từ tháng 6 đến tháng 7. Gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau.

1.4. Thuỷ văn

  Chế độ thuỷ văn của huyện phụ thuộc lớn nhất từ 2 con sông chính là sông Lam chảy qua địa phận huyện Đô Lương khoảng 12 km, sông Đào khoảng 9 km, sông Khuôn 11,8 km. Đây là những con sông có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế như cung cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp và đồng thời cũng là tiêu thoát nước; phát triển giao thông đường thuỷ, giao lưu khu vực giữa các vùng trong tỉnh, ngoài ra còn tạo môi trường sinh thái, phát triển du lịch... không chỉ riêng cho huyện mà cho cả tỉnh Nghệ An. Ngoài ra chế độ thuỷ văn của huyện còn chịu ảnh hưởng bởi các kênh tiêu như kênh tiêu Hói Quai; kênh tiêu Tràng Thịnh; kênh tiêu Trung Thuận, kênh tiêu Phú Cường, kênh tiêu Hói Thông khe suối nhỏ và các ao hồ... trong khu dân cư.

II. Điều kiện kinh tế - xã hội:

     Cùng với sự phát triển theo dòng lịch sử đất nước Việt Nam suốt hơn 4000 năm. Năm 1030 Vua Lý Thái Tông năm Thiên Thành thứ 3, đổi Hoan Châu là Nghệ An, tên Nghệ An có từ đó. Năm Thông Thụy thứ 3(1036) đặt hành dinh ở châu Nghệ An, Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 3 (1041) cử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vào làm Tri châu ở Nghệ An. Đời Lý năm Thiên Thành thứ 3. Theo sử sách nước ta đời Lý đã chia nước ta ra làm 24 lộ trong đó có lộ Nghệ An và lộ Diễn Châu, không thấy nhắc đến các đơn vị hành chính dưới lộ nên ta chưa rõ địa danh Đô Lương thời đó là gì và địa vực ra sao.

   Năm 1469Lê Thánh Tông ra chỉ dụ điều chỉnh lại bản đồ hành chính trên cả nước, chia nước ta thành 12 thừa tuyên, nhập Nghệ An và Diễn Châu lại thành một là thừa tuyên Nghệ An. Thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh 11 phủ trong đó có phủ Anh Đô có 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đường. Danh xưng Anh Đô bắt đầu có từ đây.

     Ngày 16 tháng 2 năm Đại Chính thứ 7 (1535), phụng chiếu Thái Tông Mạc Đăng DoanhHoàng Quận Công Mạc Đăng Lượng cùng em là Mạc Tuấn Ngạn đưa hơn 1 vạn quân vào trấn thủ đất Hoan châu huyện Nam Đường định đô tại Vùng Đô Đặng, có công chiêu lập 137 hộ dân gồm ba xã Đặng Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn tiền thân các dòng họ Hoàng, Bùi Duy, Nguyễn Đăng ngày nay và các triều vua cho phép lập Đền Tiên đô (Tiên Đô Miếu Linh tự) ở xã Đặng Sơn để ghi nhớ thờ phụng. Danh xưng Đô Lương trong chiến tranh Lê - Mạc (1533-1592) là nơi chứa lương thảo của nhà Mạc gọi là Đô Lương và bên này sông Lam đặt Đô Lâm, Đô Đặng .        

  Năm 1831 niên hiệu Minh Mệnh 12, thì trấn Nghệ An tách thành 2 tỉnh là Nghệ An  và Hà Tĩnh. Cũng trong năm này, đổi tên phủ Anh Đô thành phủ Anh Sơn, thành lập huyện Lương Sơn trực thuộc phủ Anh Sơn. Cũng thành lập tổng Đô Lương thuộc huyện Anh Sơn. Danh xưng Đô Lương chính thức có từ năm 1831.

- Theo số liệu của Chi cục Thống kê Đô Lương, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội huyện Đô Lương như sau:

     Về lĩnh vực văn hóa & xã hội: trên địa bàn huyện có 191 di tích, trong đó được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia có 10 di tích; di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh có 27 di tích. Giáo dục và đào tạo có 93 cơ sở giáo dục trong đó Mầm non có 34, tiểu học có 33, THCS có 20, THPT có 5 và 01 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. 73/92 Trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ: 80%. Số lượng người thương binh, liệt sỹ và gia đình người có công hiện đang quản lý hồ sơ: 4036 liệt sỹ, 3448 thương binh, 1441 bệnh binh, 1200 chất độc Dioxin, 261 mẹ Việt Nam anh hùng, 18 Tập thể anh hùng LLVT và anh hùng thời kỳ đổi mới, 8 cá nhân anh hùng LLVT Nhân dân, 12 Nhà giáo Ưu tú, 4 Thầy thuốc Ưu tú, 05 nghệ nhân ưu tú.

   Về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Số hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn huyện có 106 cái; trong đó có 57 hồ đập có dung tích trên 400.000m3; Các sông ngòi trên đất Đô Lương: Sông Lam từ Ngọc Sơn - Thuận Sơn dài (khoảng 12 km); Sông Đào từ Ba ra Tràng Sơn đến Hòa Sơn (khoảng 9,2km); Sông Khuôn từ Hòa Sơn - Nhân Sơn (khoảng 11,88 km)

   Về giao thông:  Đô Lương có các quốc lộ 7; 46;15; 48 chạy qua, với tổng chiều dài là 119,15 km. (trong đó: Quốc lộ 7A dài 15,8 km; 7B dài 14 km; 7C dài 23,3 km. Quốc lộ 46B: dài 9,5 km, 46C dài 3,5km. Quốc lộ 15A dài 46,35km. Quốc lộ 48E dài 6,7 km). Các đoạn đường liên tỉnh có tổng chiều dài là 10 km, như : 534 dài 8 km; 538 dài 2km. Có 29 tuyến đường liên huyện có tổng chiều dài 215,7km và hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Khả năng lưu thông hàng ngày có hàng chục xe khách, hàng trăm người đi từ Đô Lương đi Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh và vùng Tây Nguyên, mang theo nhiều khả năng giao lưu văn hóa, kinh tế xã hội và giao lưu giữa các vùng miền trong cả nước.

III. Các nguồn tài nguyên

3.1. Tài nguyên đất

Theo tài liệu điều tra nghiên cứu thổ nhưỡng thì trên địa bàn huyện có 5 nhóm đất chính với 06 loại khác nhau, như sau:

- Nhóm đất phù sa: Nhóm đất phù sa được phân bố ở những vùng đồng bằng và thung lũng của các xã vùng bán sơn địa Tây Bắc và Đông Nam của huyện, có diện tích khoảng 15.770 ha, chiếm 44,47% diện tích tự nhiên;

- Nhóm đất dốc tụ: Nhóm đất này có khoảng 266 ha, chiếm 0,75% diện tích tự nhiên của huyện; được phân bố ở thung lũng của các xã vùng bán sơn địa Tây Bắc, thành phần cơ giới thường trung bình hoặc nhẹ, do sự hình thành của chúng phụ thuộc vào sản phẩm dốc tụ, đất có phản ứng chua, loại đất này thích hợp với trồng lúa.

- Nhóm đất nâu vàng: Nhóm đất này có diện tích khoảng 145 ha, chiếm 0,40% diện tích tự nhiên của huyện; được phát triển trên phù sa cổ và lũ tích, phân bố rải rác thành các giải đồi thấp, lượn sóng thuộc các xã Bồi Sơn, Hồng Sơn, Giang Sơn.

- Nhóm đất Feralít đỏ vàng vùng đồi: Nhóm này có diện tích khoảng 10.420 ha, chiếm 29,39% diện tích tự nhiên của huyện; gồm các loại sau:

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên đá vôi, có khoảng 25 ha; tập trung chủ yếu xung quanh lèn đá vôi thuộc các xã Bồi Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn.

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên phiến sét, có khoảng 9.500 ha được phân bố ở các xã vùng Tây Bắc và các xã bán sơn địa vùng giữa;

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên đá cát kết có khoảng 270 ha, được phân bố ở các xã Đại Sơn, Mỹ Sơn và Minh Sơn; đặc điểm là đất có màu vàng, kết cấu tương đối rời rạc, thấm nước nhanh và dễ bị rửa trôi, đất chua và thành phần cơ giới nhẹ, nghèo mùn, khả năng trao đổi thấp, nghèo chất dinh dưỡng.

+ Đất Feralít đỏ vàng phát triển trên Macma axit, có khoảng 690 ha, đặc điểm là đất có màu đỏ đến vàng nâu, tầng đất mỏng, có thể khai thác để trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày.

- Nhóm đất Feralít xói mòn trơ sỏi đá: Nhóm đất này có diện tích khoảng 7.540 ha, chiếm 21,26%; được phân bố ở các xã đồi núi, đặc điểm là tầng đất dày không quá 30cm có lẫn nhiều sỏi đá, nhiều nơi đá mẹ trơ trên bề mặt; một phần diện tích đã được khai thác trồng chè trong vườn của các hộ gia đình, diện tích còn lại phát triển lâm nghiệp như trồng cây bạch đàn.

3.2. Tài nguyên nước

- Nguồn nước mặt: Hệ thống sông suối, mặt nước trên địa bàn huyện có diện tích 1.708,69 ha, chiếm 4,80% diện tích tự nhiên. Nguồn nước mặt dồi dào, phong phú từ các sông như sông Lam dài 12 km, sông Đào dài 9.2 km, sông Khuôn dài 11.88 km, các khe, lạch trong các sườn đồi, các ao hồ trong khu dân cư và lượng mưa hàng năm nhiều nên đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất như trồng lúa, màu, trồng cây hàng năm khác. Các hồ đập như: Đập Bàu Đá ở Trù Sơn có dung tích 3,86 triệu m3; Đập Đồng Hồ ở Thượng Sơn có dung tích 0.89 triệu m3; Đập Vĩnh Giang ở Giang Sơn có dung tích 0,51 triệu m3; Đập Đồng Thiêng ở xã Giang Sơn Tây có dung tích 0,47 triệu m3; Đập Đá Bàn ở Bài Sơn có dung tích 0,51 triệu m3; Đập Đá Bạc ở Hồng Sơn có dung tích 0,50 triệu m3; Đập Khe Ngầm ở Lam Sơn có dung tích  0,50 triệu m3; Đập Quán Đồn ở Đại Sơn có dung tích 0,50m3; Đập Hóc Giang ở Tràng Sơn có dung tích 0,49 triệu m3; Đập Chọ Mái ở Nam Sơn có dung tích 0,48 triệu m3; Đập Yên Thế ở Thịnh Sơn có dung tích 0,46 triệu m3; Đập Yên Trạch xã Thái Sơn có dung tích 0,43 triệu m3; Đập Khe Du tại xã Hòa Sơn có dung tích 0,42 triệu m3; Đập Long Thái xã Thái Sơn có dung tích 0,42 triệu m3; Đập Bà Đạo ở Đông Sơn có dung tích thiết kế 0,42 triệu m3; Đập Mộ giạ ở Giang Sơn Tây có dung tích 1,89 triệu m3

- Nguồn nước ngầm: Cũng rất đa dạng và phong phú, nhân dân vẫn đang khai thác để sử dụng. Ngoài ra còn có nguồn nước khoáng Vĩnh Giang đang lập kế hoạch đưa vào khai thác và sử dụng. Tuy nhiên nguồn nước ngầm cần được quản lý khai thác, đánh giá trữ lượng và chất lượng cũng như yêu cầu bảo vệ môi trường.

3.3. Tài nguyên rừng

     So với các huyện đồng bằng trong tỉnh thì Đô Lương là huyện có diện tích rừng khá lớn. Phần lớn diện tích rừng là rừng trồng thông, keo đã vào giai đoạn khép tán và phát triển tốt. Đây là vùng nguyên liệu lớn cho sự phát triển chế biến nhựa thông đem lại giá trị kinh tế lớn cho huyện trong tương lai. Rừng tự nhiên phần lớn là rừng nghèo do hậu quả chặt phá rừng trong những năm trước đây, hiện nay đang được giao, khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi có hiệu quả. Ngoài ra, hàng năm có một nguồn lâm sản rất lớn từ các huyện miền núi và từ một số nước bạn được nhập khẩu đưa về bằng đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện cho ngành chế biến lâm sản phát triển.

3.4. Tài nguyên khoáng sản

    Trên địa bàn huyện có tài nguyên khoáng sản đa dạng nhưng trữ lượng và hàm lượng không cao, điều kiện khai thác không thuận lợi, chủ yếu là khoáng sản để chế biến vật liệu xây dựng, như:

- Đá vôi, đá xây dựng tập trung ở các xã như Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Bài Sơn, Nhân Sơn, Đại Sơn, Mỹ Sơn, Trù Sơn... trữ lượng trên 200 triệu m3.

- Đất sét, cao lanh có hàng trăm ha, hàng năm có thể sản xuất hàng chục triệu viên gạch nung, tập trung ở xã Đại Sơn, diện tích khoảng 9 ha; đây là nguồn nguyên liệu để làm đồ gốm.

- Cát sỏi tập trung dọc sông Lam thuộc các xã Tràng Sơn, Đà Sơn, Trung Sơn, Đặng Sơn, Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Thuận Sơn... có trữ lượng khoảng 20 triệu m3; đặc điểm là cát mịn, tỷ lệ tạp chất ít nên có chất lượng cao trong xây dựng và điều kiện khai thác thuận lợi.

- Nước khoáng ở Vĩnh Giang - xã Giang Sơn Tây, thành phần chủ yếu là Bicacbonat - natri với lưu lượng nước 0,05 lít/s.

3.5. Tài nguyên nhân văn

    Đô Lương từ lâu có tiếng là hiếu học; nhiều tên đất, tên làng, tên núi thể hiện thái độ trân trọng của nhân dân đối với việc học hành, khoa cử.  Người dân ở đây rất quý trọng thuần phong, mỹ tục và biết sáng tạo ra các giá trị văn hoá; nhiều đền, chùa, miếu mạo được xây dựng qua các triều đại với những nét kiến trúc khá tinh vi như đền Quả Sơn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An, đền Mượu (ở Bồi Sơn), đình Lương Sơn (ở Bắc Sơn), đình Long Thái (Thái Sơn), Khu di tích lịch sử Truông Bồn, đài tưởng niệm Khởi nghĩa Đô Lương... đều gắn với những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.

Những nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ: Nhân vật tiêu biểu Thời Lý (1009-1225) có Uy Minh vương Lý Nhật Quang ở Bạch Đường, Bạch Ngọc; Thời Trần (1225-1400) có Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) , Thái Sơn; Thời Lê sơ (1428-1527) có các cụ Nguyễn Xí, Nguyễn Đồng Dần, Nguyễn Đồng Tân, Nguyễn Đình Kiên làng Đa Văn, Xuân Sơn; Tiến sỹ1484  Đặng Minh Bích người Bạch Đường, Lam Sơn; Thời Lê - Mạc (1533-1592) có Vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) tại làng Long Thái ,Thái Sơn; có Nguyễn Cảnh Hoan - Thái phó Tấn Quốc công, Tràng Sơn; Triều đại Tây Sơn (1788-1802) có Đào Đình Truật- Trung úy tước Tử, thôn Đại Tuyền, Lưu Sơn; Triều Nguyễn (1802-1858) , Giai đoạn 1807-1919 Đô Lương có 03 tiến sỹ (Tiến sỹ1851- Nguyễn Nguyên Thành (1825 - 1887),làng Nghiêm Thắng, Đông Sơn; Tiến sỹ1849 Nguyễn Thái Đễ người Yên Sơn và…); Phó bảng có 01 Phó Bảng 1880 Nguyễn Thái Tuân người Yên Sơn ; Cử nhân có 22 người, ví dụ : Nguyễn Hữu Tố, người làng Cẩm Ngọc, Đông Sơn (1819); Nguyễn Sỹ Cường, người Liên Sơn (1870). Nguyễn Thái Hiến (1898-1956) thôn Yên Tứ, Diêm Trường, nay xã Yên Sơn nhà khoa học, doanh nhân, thầy thuốc, nhà hoạt động cách mạng và là ông tổ của Actisô ở Đà Lạt. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược (1858-1945)  Đô Lương có vị tướng cụ Lãnh Ngợi, làng Yên Mỹ, Bài Sơn; Hội Duy Tân và phong trào Đông Du có cụ Hoàng Thế Thiện, Lưu Sơn; cụ Thái Văn Đa, Thịnh Sơn; cụ Thái Doãn Châu, cụ Hoàng Long ở tổng Yên Lãng. Đô Lương đầu thế kỷ XX: Nhà thơ Lan Sơn tên thật Nguyễn Đức Phòng  (1912-1974) Làng Yên Lại, tổng Yên Lãng (nay Hòa Sơn) ; có Hội Tân Việt đầu tiên thành lập năm 1927 gồm các thầy giáo như Đặng Sỹ Đối, Cao Tiến Tuệ ở Lam Sơn, Nguyễn Khắc Ất, Bồi Sơn; Thầy Trần Cung nguyên Bí thư chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương đầu tiên tại số 3 Hàm Long, Hà Nội; Thầy giáo Phan Hoàng Tiêm giáo viên trường Chung Anh- Đô Lương, là bí thư Phủ ủy đầu tiên tháng 5. 1945 Việt Minh Anh Sơn; ngày 23.8.1945  thầy giáo Nguyễn Trung Lục (1913-1996)  là Chủ tịch ủy ban Nhân dân cánh mạng lâm thời tuyên bố, “ xóa bỏ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới”  chính quyền cách mạng của nhân dân, sau này về công tác Bộ GD&ĐT. Thời kỳ thành lập huyện đến nay (1963-2020) trong kháng chiến chống Mỹ  hàng vạn thanh niên lên đường đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu có 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang ông Trần Hữu Bào(Hiến Sơn), ông Biện Văn Thanh(Minh Sơn), ông Đặng Quang Cầm(Lạc Sơn), ông Nguyễn Quốc Trị, ông Nguyễn Quốc Thất(Đà Sơn), ông Nguyễn Thái Nhự (Yên Sơn), ông Hoàng Hữu Thanh (Bồi Sơn), ông Lê Văn Hòe (Lam Sơn). ông Thiếu tướng Hoàng Kiện (1921-2000) quê Đông Sơn;  Các nhà giáo nhân dân và ưu tú tiêu biểu như: TS,VS,NGUT Nguyễn Cảnh Toàn, quê Đông Sơn; PGS,TS, NGND, nhà giáo Nguyễn Đình Noãn , ông sinh ngày 01.10.1934 tại Xuân Sơn; Giáo sư Phạm Như Cương (sinh năm 1928) người Thị Trấn Đô Lương; Giáo sư, tiến sỹ, NGND ,Thiếu tướng Hoàng Xuân Lượng  (sinh 11.8.1943 tại Hòa Sơn; GS,TS Thái Bá Cầu quê ở Liên Sơn nay là Thị trấn Đô Lương; Tiến sỹ Nguyễn Thái Tự , ông sinh 1937 tại Yên Sơn,  NGUT- Thầy Nguyễn Vĩnh Chung, quê xã Đà Sơn, NGUT Thầy Nguyễn Khắc Liên, quê Bồi Sơn; Nhà thơ, NGƯT Thầy Vương Đình Long sinh năm 1950 , Đại tá- Nhà Thơ Vương Trọng, Nhà thơ Thạch Quỳ đều quê ở  Trung Sơn; Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng quê Nam Sơn; Nhà thơ Hoàng Trần Cương quê Đặng Sơn; Nhà văn Cao Tiến Lê quê ở Lam Sơn…Nhà khoa học , doanh nhân ông Võ Văn Mai, bà Thái Hương doanh nhân đều quê ở Hòa Sơn.

IV. Định hướng phát triển trong thời gian tới

    Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ XXI xác định với mục tiêu đến năm 2023 đạt huyện Nông thôn mới với 100% xã đạt chuẩn trong đó có 3-5 xã nông thôn mới nâng cao hoặc kiểu mẫu.Tuy nhiên với trên đà thắng lợi của năm 2020 huyện chủ trương về đích Nông thôn mới 32/32 xã vào năm 2021 đây là một sự quyết tâm rất cao và có cơ sở hoàn thành thắng lợi nhờ có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và lực lượng Nhân dân tham gia tích cực. Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển biến tích cực từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tổng giá trị sản xuất của huyện hàng năm tăng, đời sống và thu nhập của nhân dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng đang tiếp tục được quan tâm đầu tư, xây dựng, an ninh quốc phòng được giữ vững. Văn hóa và Giáo dục được sự quan tâm và phát triển mạnh toàn diện.

 Trọng tâm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 như sau:

  1- Quy hoạch huyện Đô Lương; quy hoạch Thị trấn Đô Lương; Trung tâm Thương mại Lan Chi; Khu đô thị mới nam Thị Trấn…Phấn đấu để Thị trấn Đô Lương sớm đạt đô thị loại IV trong những năm tới.

  2 - Tập trung ưu tiên để hỗ trợ phát triển các làng nghề nhất là các làng nghề như bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức, Mộc tĩnh gia, mộc Trung Hậu - Tân Sơn, Chổi đót - Bắc Sơn, mộc Đông Minh - Minh Sơn, Nồi đất - Trù Sơn, Dâu tằm tơ Xuân Như.

  3 - Xây dựng kế hoạch  phát triển du lịch trên địa bàn huyện như khu vui chơi giải trí Đông Sơn; Khu ẩm thực ven sông Lam; Đầu tư xây tượng đài Ba ra Đô Lương; tượng đài Truông Cồn Đọi Đà Sơn. Khu du lịch nước nóng Giang Sơn; Chuỗi du lịch Ba ra Đô Lương - Đền Quả Sơn - Chùa Bà Bụt. Xây dựng chuỗi liên kết du lịch Truông Bồn Mỹ Sơn – Đình Long Thái , Thái Sơn – Đền Đức Hoàng, Yên Sơn – Đập Bàu Đá xã Trù Sơn…

  4 - Tiếp tục phát huy tiềm lực các doanh nghiệp trên địa bàn như: Nhà máy xi măng Sông Lam, Nhà máy may Minh Anh - Quang Sơn, Nhà máy may Prex - Lạc Sơn, Nhà máy nước - Đông Sơn, Nhà máy nước - Hòa Sơn,Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Yên Sơn, TTTM và Chợ mới Đô Lương. Các doanh nghiệp khác như Cụm công nghiệp Thị trấn, Cụm công nghiệp Lạc Sơn, Cụm công nghiệp Thượng Sơn, Khu trồng chuối công nghệ cao tại Thuận Sơn, Khu trồng nguyên liệu tinh dầu sả tại Lam Sơn…

  5 - Phát động toàn dân trồng cây gây rừng vì một màu xanh quê hương, đồng thời phát huy thế mạnh toàn dân tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng năng suất cao, mỗi xã phấn đấu một sản phẩm.

  6 - Ưu tiên phát triển cơ sở vật chất hạ tầng của Văn hóa và Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, y tế đáp ứng yêu cầu phát triển và an sinh xã hội. Giáo dục và Đào tạo giữ vững chất lượng tốp đầu của tỉnh và phấn đấu 2 cơ sở giáo dục đạt tiêu chí trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh.

PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

 

 

 

                                                                                    (XT, 2021)

 

 
 In bài  |   Đầu trang

Không có dữ liệu
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
 
image

Tin tức
  • Nghệ An với công tác truyền thông chính sách
1 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement