Từ lâu nay, ốc bươu, óc nút ở xã Hồng Sơn đã trở thành một món ăn đặc sản có tiếng không chỉ ở Đô Lương, mà những người sành ốc ở Nghệ An đều biết đến. Nghề bắt ốc ở Hồng Sơn tuy vất vả, nhưng bù lại thu nhập khá cho những người dân nơi đây.
Dọc theo những con suối nhỏ, theo chân những người bắt ốc ở xã Hồng Sơn mới thấy được sự vất vả và không kém phần thú vị của nghề này. Với địa hình đồi núi, Hồng Sơn có rất nhiều con suối nhỏ, chạy quanh co qua những cánh đồng nhấp nhô. Chị Nguyễn Thị Thanh, một người bắt ốc tại một trọt nước cho biết: “Một buổi đi bắt, nếu nước cạn thì bán được 130 ngàn đến 140 ngàn, ngày nước sâu thì bắt bán được 100 ngàn”.
Còn ông Nguyễn Đức Tuấn cũng là một thường xuyên đi bắt ốc nói: “Nếu bắt ốc bươu thì chúng tôi phải đi từ lúc 8 giờ tối đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, bắt bằng hình thức soi đèn. Còn bắt ốc nút thì đi vào buổi chiều hàng ngày”.
Chị Nguyễn Thị Thanh mỗi buổi bắt ốc thu nhập được 140 ngàn đồng
Việc bắt ốc cũng đa dạng và thú vị, ngoài hình thức mò dưới đáy suối, trọt, bàu và bắt với cách soi đèn, người dân xã Hồng Sơn còn có một thủ thuật, đó là rải lá sắn. Lá sắn được chất đầy trên một chiếc nốc nhỏ, vo tròn mỗi nắm bằng một nắm tay rồi thả dọc theo con suối. Mỗi lần như vậy thả vài trăm nắm. Có khi chèo nốc đi đến cả 2 km để thả lá sắn.
Sau khi thả lá sắn xong, người bắt ốc Bươu chờ đến lúc trời tối, ốc bươu ngoi lên ăn lá sắn, việc bắt ốc lúc này rất dễ dàng. Mỗi lần thả lá sắn như vậy được duy trì 3 đến 4 ngày, khi lá sắn đã bị ốc Bươu ăn nát.
Do ốc bươu Hồng Sơn được bắt từ những trọt nước và con suối ở đồng sâu trũng, nên thịt ốc rất ngon. Dọc theo Quốc lộ 15A đi qua địa bàn xã Hồng Sơn có đến 4 điểm bán ốc cố định, chị Hoàng Thị Hương, một chủ hàng đã bán ốc ở đây 20 năm cho biết, mỗi ngày chị có thể bán 1 tạ ốc nút, 30 đến 40 kg ốc Bươu, ốc Bươu Hồng Sơn thường được xuất bán đi Vinh, Tân Kỳ, Nam Đàn…
Gía 1kg ống Nút từ 10 đến 15 ngàn đồng, ốc Bươu 70kg/kg. Tuy nhiên những ngày giá lạnh thì giá ốc tăng lên đáng kể, 1kg ốc Nút 20 ngàn, 1kg ốc Bươu 90 ngàn.
Ốc Hồng Sơn được người sành ăn ưa thích là do ốc sinh sống tự nhiên, thường ở trọt nước, khe, suối nên đặc ruột, thịt dai giòn, thơm thịt. Rất khác với ốc nuôi, ốc nuôi rất nhảo thịt, không thơm.
Chị Hoàng Thị Hương, chủ một điểm bán ốc ở Hồng Sơn
Hiện nay ở xã Hồng Sơn có trên 20 người sinh sống bằng nghề bắt ốc. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ lớn, nên số lượng ốc ở Hồng Sơn hiện nay không nhiều như những năm trước đây. Chính quyền địa phương đã và đang có nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn việc dùng kích điện để đánh bắt các loại thủy sản như: cá, tôm…bởi sẽ vô tình tiêu diệt luôn cả giống ốc Bươu, ốc Nút thơm giòn là đặc sản ẩm thực nổi bật của xã Hồng Sơn- Đô Lương.