Ông Trần Văn Đông, một chủ hộ đan lát: "Cô bé kia mồ côi cả cha lẫn mẹ, tội nghiệp, hiện đang ở với bà ngoại đã nhiều tuổi. Vậy mà nhờ tranh thủ đan lát nó đã có tiền sắm được xe đạp mini để đi học, mua đầy đủ sách vở, giấy bút…"
Ông Trần Văn Đông, một chủ hộ đan lát: "Cô bé kia mồ côi cả cha lẫn mẹ, tội nghiệp, hiện đang ở với bà ngoại đã nhiều tuổi. Vậy mà nhờ tranh thủ đan lát nó đã có tiền sắm được xe đạp mini để đi học, mua đầy đủ sách vở, giấy bút…"
Về thăm Làng đan lát Bột Đà (xã Đà sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) vào một ngày đầu tháng 7/2008, mới đến đầu làng đã rộn lên tiếng vồ đập nứa bôm bốp, tiếng nan đan khua lách cách rộn rã ….
Bước vào một chiếc lán lợp bằng nứa dài hun hút, hàng chục người đang mải mê đan phên. Chị em phụ nữ thoăn thoắt đan, còn cánh đàn ông thì chẻ nứa, dùng vồ đập nứa nhịp nhàng, mạnh mẽ .
Cả làng Bột Đà hiện có 30 chiếc lán như vậy, lán nào cũng rộn rã không khí lao động. Ông Trần Văn Đông, một chủ hộ đan lát cho biết : “Để phục vụ cho nghề đan lát, phải có đến 20 cặp xe bò lốp ở xóm 9 và xóm 10 thường xuyên vận chuyển nứa từ bãi Bù về. Nguyên liệu nứa thường được lấy từ Tổng đội TNXP 2 ở Thanh Chương. Nghề đan này đã có từ lâu, nhưng mới phát triển mạnh vài năm lại nay. Trước đây khi vận chuyển thường không được xuất bán ngoại tỉnh, thường bị Kiểm lâm giữ. Nhưng từ năm 2003, chủ trương của Nhà nước cho lưu thông sản phẩm phên nứa nên sản phẩm xuất bán rất nhanh. Hiện nay chúng tôi thường xuất bán tại các tỉnh như : Hưng Yên, Hà Tây, Nam Định, Hải Phòng, Hải Hưng, Hòa Bình, Phủ Lý…’’.
Nghề đan nứa ở Bột Đà đang phát triển mạnh, tạo việc làm cho trên 300 lao động. Mỗi lao động mỗi ngày đan được 60 -70 tấm phên. Mỗi tấm phên được trả công 1.200 đồng.
Sản phẩm của làng nghề được dùng nhiều nhất vào việc lợp lán che gạch thô ở các lò gạch.
Ông Trần Đăng Đông cho biết thêm: “Trước đây xóm chúng tôi nghèo lắm, các cháu đi học thường không đủ tiền đóng học phí, giờ thì không còn lo nữa..”. Chợt ông chỉ tay về cô bé đang đan nứa thoăn thoắt : “Con bé kia mồ côi cả cha lẫn mẹ, tội nghiệp, hiện đang ở với bà ngoại đã nhiều tuổi. Vậy mà nhờ tranh thủ đan nứa, nó đã có tiền sắm được xe đạp mini để đi học, mua đầy đủ sách vở, giấy bút…Rồi nhiều hộ gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nay đã khá giả ”.
Qua tìm hiểu, bà con giáo dân đều bày tỏ lòng biết ơn đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cảm ơn Ngân hàng nông nghiệp, Hội nông dân xã đã tạo mọi điều kiện để bà con phát triển sản xuất, thay đổi diện mạo xóm làng.
Từ đầu năm 2008 đến nay, làng Bột Đà như được tiếp thêm sinh khí mới, làng nghề chính thức được UBND tỉnh cấp bằng công nhận Làng nghề đan lát Bột Đà. Và niềm vui lại nối tiếp niềm vui khi làng nghề được cấp uỷ Đảng chính quyền xã Đà Sơn đang hoàn tất thủ tục cấp thêm 1 ha đất để bà con mở rộng lán trại sản xuất. Tiếp đó, hệ thống đường giao thông và đường điện sẽ được xây dựng mới theo dự án phát triển làng nghề. Tin chắc rằng với những
bước tiến này, nghề đan lát Bột Đà sẽ vững bước đi lên cùng sự phát triển chung của xã hội.
Ngọc Phương
|